Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản đạt 138,9 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Nhật Bản là nước nhập khẩu mực, bạch tuộc đứng đầu thế giới, chiếm hơn 17% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc của toàn thế giới. Nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản từ 2017 đến nay có xu hướng giảm so với giai đoạn 2013-2016 do nguồn cung mực, bạch tuộc nguyên liệu ngày càng giảm và giá nhập khẩu tăng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới, 10 tháng đầu năm nay, Nhật Bản nhập khẩu 295,2 triệu USD mực, bạch tuộc, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn duy trì là nhà cung cấp mực, bạch tuộc hàng đầu vào Nhật Bản. Tuy nhiên, nhập khẩu dòng sản phẩm này từ Trung Quốc của Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, nhập khẩu từ Việt Nam và Peru tăng. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ các nước Đông Nam Á khác như Philippines và Thái Lan.
Mực chế biến (HS 160554) và bạch tuộc chế biến (HS 160555) là 2 sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất vào Nhật Bản. 10 tháng đầu năm nay, Nhật Bản tăng nhập khẩu bạch tuộc chế biến và giảm nhập khẩu mực chế biến. Nhập khẩu mực nguyên liệu (HS 030749) vào Nhật Bản mặc dù chỉ chiếm giá trị nhỏ nhưng tăng trưởng tốt 42% trong 10 tháng đầu năm nay.
Hiện các sản phẩm bạch tuộc chế biến nhập khẩu từ Thái Lan và Philippines vào Nhật Bản đang có lợi thế với mức thuế 0%, trong khi đó từ Việt Nam và Indonesia là 1,8%, và từ Trung Quốc 6,9%. Như vậy, các sản phẩm bạch tuộc chế biến của Việt Nam đang gặp bất lợi về thuế so với Thái Lan và Philippines tại thị trường Nhật Bản.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản đạt 138,9 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Nhật Bản phục hồi tăng 23% trong tháng 11/2018 sau khi giảm 12% trong tháng 10.
Những năm trước đây, Nhật Bản nhập khẩu nhiều mực, bạch tuộc từ Morocco, Mauritania tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, Morocco và Mauritania không xuất khẩu nhiều mực, bạch tuộc sang Nhật Bản nữa do nguồn nguyên liệu mực, bạch tuộc khai thác sụt giảm mạnh, kéo theo giá xuất khẩu tăng. Do vậy, Nhật Bản chuyển hướng sang các nguồn cung mực, bạch tuộc ở châu Á.